(cập nhập) CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ MỚI THEO NĐ123 VÀ TT78 ?

22/09/2023

Để giúp các bạn hiểu về HĐĐT mới và xử lý các tình huống khi gặp phải, 

Thông Thái Group đã tạo chuyên mục trích từ kết quả hỏi đáp giữa Người dùng & cơ quan thuế về HĐĐT mới theo NĐ123 & TT78 chi tiết như sau :

(chúng tôi sẽ liên tục cập nhập kết quả, 

cần tư vấn thêm gọi hotline 0901.376.407 – 0932.79.68.77 zalo)

 

 

28- Trường hợp không lập hóa đơn đối với hàng hóa dùng để khuyến mại thì có bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn không ?

 

Ngày 18/07/2023 CQT trả lời: 

Tại Điểm b Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ như sau:

"2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi:

…b) Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.”

 

Do vậy, hành vi không lập hóa đơn đối với hàng hóa dùng để khuyến mại thuộc mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

 

29- Hàng hóa dùng để khuyến mại thì Công ty có cần lập hóa đơn không ?

 

Ngày 18/07/2023 CQT trả lời: 

Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

 

Do vậy, hàng hóa dùng để khuyến mại thì Công ty vẫn phải lập hóa đơn để giao cho người mua.

 

 

30- Pháp luật quy định xử phạt đối với sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn như thế nào ?

 

Ngày 11/07/2023 CQT trả lời: 

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội;

Căn cứ Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ;

Theo đó, Nghị định số 125/2020/NĐ-CP đã dành 1 chương (từ Điều 20 đến Điều 31) quy định về hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

Tùy từng tình tiết, hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn sẽ bị xử phạt theo hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn; hoặc xử phạt hành vi trốn thuế; hoặc phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định.

Và cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại một số điều của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 

31- Luật Quản lý Thuế hiện hành quy định hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến hóa đơn như thế nào ?

 

Ngày 11/07/2023 CQT trả lời: 

Tại Điều 6, Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế bao gồm:

 

“1. Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.

 

2. Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.

 

3. Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.

 

4. Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.

 

5. Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

 

6. Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.

 

7. Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

 

8. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.”

 

Như vậy hành vi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế.

 

 

32- Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về xử lý sai sót hóa đơn điện tử, 

bên bán và bên mua có phải bắt buộc lập văn bản thỏa thuận, ký tên, đóng dấu kèm hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế ?  

Doanh nghiệp có phải gửi thông báo sai sót hóa đơn điện tử theo mẩu 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế ?

 

Ngày 09/03/2023 CQT trả lời: 

Tại điểm b1 Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

“b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.”

Theo đó, việc lập Biên bản điều chỉnh là do người mua và người bán tự thỏa thuận. Trường hợp người bán đã thực hiện điều chỉnh hóa đơn thì không cần gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới CQT.

 

33- Năm 2021 đơn vị ký hợp đồng dịch vụ du lịch với khách hàng, khách hàng chuyển khoản tạm ứng. Nhưng do dịch ko tiến hành thực hiện tour được. 

Năm 2022 đơn vị tiến hành tour của năm 2021 và xuất hóa đơn thì có bị xuất sai thời điểm không ?

 

Ngày 09/03/2023 CQT trả lời: 

Tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).”

Do đó, trong năm 2022, Công ty tiến hành tour và xuất hóa đơn khi hoàn thành cung cấp dịch vụ theo quy định đúng thời điểm.

 

34- Hướng dẫn kê khai hóa đơn điện tử điều chỉnh và thay thế theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC phát hành khác kì với hóa đơn sai đối với người mua và người bán? Trường hợp xuất khẩu xuất hóa đơn điện tử 1 của tháng 4 sai doanh thu, ngày 3/5 điều chỉnh bằng hóa đơn 2 tăng doanh thu thì hóa đơn điều chỉnh 2 có được kê vào tờ khai chính thức của tháng 4 không hay phải kê khai hóa đơn số 1 vào tờ chính thức của tháng 4 và kê số 2 vào tờ bổ sung của tháng 4. Công văn 4943/TCT-KK năm 2015 còn hiệu lực không ?

 

Ngày 09/03/2023 CQT trả lời: 

Do câu hỏi chưa rõ nên Tổng cục Thuế trả lời về nguyên tắc như sau: Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.

 

35- Một số vướng mắc về xử lý sai sót của hóa đơn điện tử

35.1. Hóa đơn điện tử không chịu thuế thì tại chỉ tiêu Thuế suất, Tiền thuế sẽ để trống hay để ký tự / hoặc x ?

 

35.2. Hóa đơn sai địa chỉ, tên người mua đã gửi thông báo theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA thì cần gửi cho Người Mua văn bản gì ? Cơ quan Thuế có trả về thông báo chấp thuận dưới dạng file PDF không ?

 

35.3. Hóa đơn đã xuất theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC, khi doanh nghiệp chuyển sang Thông tư số 78/2021/TT-BTC cần điều chỉnh hóa đơn cũ đã xuất theo Thông tư số 32 thì cần điều chỉnh và kê khai như thế nào ?

 

Ngày 09/03/2023 CQT trả lời: 

35.1. Theo hướng dẫn tại Quyết định số 1450/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế, trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế thì chỉ tiêu Thuế suất chọn KCT, tiền thuế để trống.

35.2. Theo quy định tại b1 khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì khi sai về địa chỉ, tên người mua, người bán thông báo cho người mua về hóa đơn có sai sót và gửi Mẫu 04/SS-HDDT cùng thông báo chấp thuận của cơ quan thuế cho người mua. File thông  báo của CQT trả về có định dạng XML.

35.3. Theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC, trường hợp hóa đơn theo Thông tư số 32 có sai sót thì người bán lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để thay thế cho hóa đơn đã lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 32 có sai sót.

 

 

36- Doanh nghiệp chúng tôi có thể sử dụng hóa đơn mới theo Thông tư số 78 để xuất hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn theo Thông tư số 32 hay không ?

 

Ngày 09/03/2023 CQT trả lời: 

Tại Khoản 6 Điều 12 Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định:

“Kể từ thời điểm doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và quy định tại Thông tư này, nếu phát hiện hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính mà hóa đơn này có sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót. Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”. Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn đã lập có sai sót (hóa đơn lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP , Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính) để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã) hoặc người bán gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).”

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp người bán đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì người bán lập hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để thay thế cho hóa đơn đã lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC có sai sót.

 

 

37- Người mua là các đơn vị sự nghiệp có bắt buộc phải ghi mã số thuế người mua trên HĐĐT không ?

Ngày 08/03/2023 CQT trả lời: 

Căn cứ khoản 5 Điều 10 Nghi định số 123/2020/NĐ-CP:

“5. Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua

a) Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: "Phường" thành "P"; "Quận" thành "Q", "Thành phố" thành "TP", "Việt Nam" thành "VN" hoặc "Cổ phần" là "CP", "Trách nhiệm Hữu hạn" thành "TNHH", "khu công nghiệp" thành "KCN", "sản xuất" thành "SX", "Chi nhánh" thành "CN"… nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

b) Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài. “

Do đó, khi mua hàng hóa, dịch vụ thì trên hóa đơn phải thể hiện đầy đủ Thông tin của người mua hàng trên hóa đơn để được tính vào chi phí và thanh toán các khoản chi từ Ngân sách nhà nước. Do đó, trường hợp đơn Người mua là các đơn vị sự nghiệp có mã số thuế thì ghi đủ thông tin mã số thuế trên hóa đơn theo quy định.

 

38- Một số vướng mắc về hóa đơn khi bán hàng cho người mua là cá nhân không kinh doanh không lấy hóa đơn ?

Người mua có bắt buộc phải cung cấp địa chỉ email không? Người mua không lấy hóa đơn thì người bán có bắt buộc phải gửi hóa đơn cho người mua không ?

 

Người mua là cá nhân không kinh doanh không cần lấy hóa đơn thì có bắt buộc phải ghi thông tin người mua trên hóa đơn không hay chỉ cần ghi người mua không lấy hóa đơn là được ?

 

Ngày 08/03/2023 CQT trả lời: 

- Tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

“1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”

- Tại Điểm c Khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

c) Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua.

- Tại điểm 3 Điều 17 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

“3. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm gửi hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế cho người mua. Phương thức gửi và nhận hóa đơn được thực hiện theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.”

Theo quy định, khi thực hiện bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT, trong trường hợp người mua không lấy hóa đơn, không bắt buộc phải có thông tin người mua trên hóa đơn. Việc gửi và nhận hóa đơn được thực hiện theo thỏa thuận giữa người bán và người mua. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP địa chỉ email của người mua không phải là thông tin bắt buộc phải thể hiện trên hóa đơn.

 

 

39- Xử lý sai sót của HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC sau khi doanh nghiệp đã sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC

Công ty chúng tôi hoạt động SXKD trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, xuất bán sản phẩm trên các nền tảng TMĐT với đối tượng khách hàng là khách lẻ không lấy hóa đơn. Ngày 24/03/2022, doanh nghiệp hoàn thành thủ tục thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng vì lý do khách quan kể từ ngày 24/03/2022 đến 18/04/2022 công ty vẫn xuất hóa đơn với thông tin người bán theo địa chỉ đăng ký cũ đăng ký trên hệ thống HĐĐT. Kể từ khi thành lập Doanh nghiệp vẫn sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư số 32/2021/TT-BTC, cho đến ngày 14/04/2022 Doanh nghiệp được Cơ quan Thuế chấp nhận đăng ký sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC, đến ngày 18/04/2022 công ty phát hiện sai sót về địa chỉ người bán trên hóa đơn gửi cho khách hàng. Doanh nghiệp xin hỏi quý Cơ quan Thuế giải đáp thắc mắc về cách xử lý HĐĐT viết sai địa chỉ người bán theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC trong kỳ kê khai Thuế Quý 1/2022, Quý 2/2022 và cách xử lý đối với HĐĐTcó sai sót về địa chỉ người bán có mã của Cơ quan Thuế theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC trong kỳ kê khai Thuế Quý 2/2022?

 

Ngày 08/03/2023 CQT trả lời: 

Theo như doanh nghiệp trình bày: Ngày 24/03/2022, doanh nghiệp hoàn thành thủ tục thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng vì lý do khách quan kể từ ngày 24/03/2022 đến 18/04/2022 công ty vẫn xuất hóa đơn với thông tin người bán theo địa chỉ đăng ký cũ đăng ký trên hệ thống HĐĐT.

Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC:

Nếu chỉ có sai sót về địa chỉ người bán, không có sai sót về mã số thuế người bán, không có sai sót về các thông tin khác như:

- Tiền thuế,

- Thuế suất,

- Số tiền thanh toán,...

thì người bán không phải lập lại hóa đơn.

Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC:

Nếu chỉ có sai sót về địa chỉ người bán, không có sai sót về mã số thuế người bán, không có sai sót các thông tin khác như:

- Tiền thuế,

- Thuế suất,

- Số tiền thanh toán,...

thì người bán gửi mẫu 04/SS-HĐĐT đến cơ quan thuế, người bán không phải lập lại hóa đơn.

 

40- Trước đây một số công ty vẫn dùng hóa đơn bán lẻ cho hàng hóa dịch vụ dưới 200 nghìn, và được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp, bây giờ có được tiếp tục sử dụng không ?

 

Ngày 08/03/2023 CQT trả lời: 

Theo quy định, các trường hợp đã sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn về HĐĐT thì sẽ không áp dụng các quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Do đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán hàng phải xuất hóa đơn điện tử theo quy định trừ các trường hợp bên mua hàng hóa, dịch vụ được lập bảng kê quy định tại Khoản 2.4 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp.    

 

"Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

 

2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN   kèm theo Thông tư này) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

 

- Mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;

- Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;

- Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;

- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;

- Mua đồ dùng, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;

- Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê tính vào chi phí được trừ nêu trên không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế."

 

41- Một số vướng mắc về hóa đơn khi bán xăng dầu cho cá nhân không kinh doanh

Làm rõ quy định về xuất hóa đơn có mẫu số ký hiệu khi bán xăng dầu cho cá nhân không kinh doanh, cuối ngày gửi Bảng tổng hợp theo mặt hàng. Nếu hóa đơn sai sót mà lập hóa đơn thay thế thì lên Bảng tổng hợp theo mặt hàng như thế nào cho đúng ?

 

Ngày 08/03/2023 CQT trả lời: 

- Tại điểm c Khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

 “…Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty bán xăng dầu cho khách hàng cá nhân không kinh doanh khi xuất hóa đơn điện tử thì không nhất thiết phải có ký hiệu mẫu số hóa đơn.

- Trường hợp Công ty bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cuối ngày Công ty đã gửi Bảng tổng hợp theo mặt hàng cho cơ quan thuế sau đó phát hiện sai sót thì việc xử lý sai sót của Bảng tổng hợp dữ liệu đã gửi cơ quan thuế được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính.

 

 

42- Công ty bán xăng dầu xuất hóa đơn có ký hiệu mẫu số hay không có ký hiệu mẫu số cho khách hàng cá nhân không kinh doanh, cuối ngày gửi Bảng tổng hợp theo mặt hàng ?

 

Ngày 08/03/2023 CQT trả lời: 

Tại điểm c Khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:        

 

“…Đối với hóa đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng.”        

 

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty bán xăng dầu cho khách hàng cá nhân không kinh doanh khi xuất hóa đơn điện tử thì không nhất thiết phải có ký hiệu mẫu số hóa đơn.

 

 

43- Doanh nghiệp chúng tôi đã áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Tôi muốn hỏi:

 

43.1. Trong trường hợp khách hàng của chúng tôi là đơn vị hành chính sự nghiệp (không có hóa đơn hoặc chỉ có hóa đơn bán hàng không thể hiện thuế GTGT), khi khách hàng trả lại hàng thì chúng tôi sẽ xử lý như thế nào, vì nếu khách hàng xuất lại hóa đơn bán hàng không có thuế GTGT thì Công ty chúng tôi sẽ không được khấu trừ lại phần thuế GTGT.

 

43.2. Ngay khi phát hành hóa đơn điện tử và được cơ quan thuế cấp mã, phần mềm hóa đơn điện tử của doanh nghiệp tôi đều tự động gửi luôn hóa đơn đến địa chỉ email đã đăng ký cho từng khách hàng. Nếu địa chỉ email đăng ký để nhận hóa đơn điện tử là email của chính doanh nghiệp chúng tôi thì có được xem là hóa đơn chưa gửi cho khách hàng hay không ? 

(sau khi kiểm tra lại tính chính xác của hóa đơn chúng tôi mới gửi thủ công tới email của khách hàng) ?

 

Ngày 07/03/2023 CQT trả lời: 

43.1. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 4, Khoản 1 Điều 9, Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP:

- Người mua là đơn vị hành chính sự nghiệp không có hóa đơn thì khi người mua trả lại một phần hàng: người bán và người mua có tài liệu chứng minh việc trả lại hàng sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh giảm cho hóa đơn đã lập, căn cứ hóa đơn điều chỉnh giảm, người bán kê khai giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra.

- Người mua là đơn vị hành chính sự nghiệp có hóa đơn bán hàng thì khi trả lại một phần hàng hóa: người mua và người bán có tài liệu chứng minh việc trả lại hàng, căn cứ tài liệu trả lại hàng của người mua, người bán lập hóa đơn điều chỉnh giảm cho hóa đơn đã lập và kê khai điều chỉnh giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra.

 

43.2. Tại điểm 3 Điều 17 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định: “3. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm gửi hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế cho người mua. Phương thức gửi và nhận hóa đơn được thực hiện theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.” 

Như vậy, doanh nghiệp thực hiện gửi hóa đơn đến người mua là trách nhiệm của doanh nghiệp và thỏa thuận giữa 2 bên.

 

44- Đơn vị tôi còn tồn 1 lượng HĐĐT lớn phát hành theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì có bắt buộc phải làm thông báo hủy TB03/AC đến cơ quan thuế không ?

Theo Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì đơn vị phải ngừng sử dụng HĐĐT đã phát hành trước đây. Đơn vị tôi còn tồn 1 lượng HĐĐT lớn phát hành theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì có bắt buộc phải làm thông báo hủy TB03/AC đến cơ quan thuế không ?

 

Ngày 07/03/2023 CQT trả lời: 

Về nội dung này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 5113/TCT-CS ngày 27/12/2022 hướng dẫn cụ thể như sau:

 

- Trường hợp cơ quan thuế đã chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (người nộp thuế - NNT) phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử, tiêu hủy hóa đơn giấy đặt in đã thông báo phát hành theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trình tự, thủ tục tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

 

- Trong thời gian Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính đang có hiệu lực thi hành, Cục thuế có thể hướng dẫn người nộp thuế gửi: Thông báo hủy hóa đơn (Mẫu số TB03/AC) và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (BC26) theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính để cơ quan thuế nhập vào ứng dụng Quản lý ấn chỉ. Đồng thời cơ quan thuế ban hành Thông báo hóa đơn của NNT hết giá trị sử dụng.

 

45- Xin Tổng Cục Thuế hướng dẫn về việc xử lý các hoá đơn giấy phát hiện sai sót sau khi chuyển đổi sang HĐĐT theo Thông tư số 78

Theo Điều 12. Xử lý chuyển tiếp thì đối với các hoá đơn giấy đã lập có sai sót thì tôi hiểu như sau đã đúng chưa: người bán và ngươi mua chỉ cần lập Biên bản thoả thuận xuất hoá đơn điện tử mới thay thế hoá đơn giấy bị sai sót nêu rõ sai sót (không cần thu hồi hoá đơn giấy cũ bị sai), người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT và xuất hoá đơn điện tử “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm” có sai sót.

 

Ngày 07/03/2023 CQT trả lời: 

Theo như doanh nghiệp hỏi:

Trường hợp hóa đơn giấy đã lập theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP có sai sót và người bán đã lập hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC để thay thế cho hóa đơn giấy đã lập, trên hóa đơn điện tử có nội dung “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm" đồng thời người bán gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới cơ quan thuế thì trên hệ thống của cơ quan thuế đã có thông tin về việc hóa đơn giấy bị thay thế nên việc thu hồi hóa đơn giấy bị sai sót là không cần thiết.

 

Tuy nhiên để tránh rủi ro bị lợi dụng thì người bán nên lập biên bản với người mua để thu hồi hóa đơn giấy đã lập.  

 

46- Doanh nghiệp xuất hóa đơn cho phần đặt cọc của khách hàng, sau đó khách hàng vi phạm thỏa thuận nên xử lý mất cọc, hóa đơn đã lập nên xử lý như thế nào ?

Doanh nghiệp tôi là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, đang sử dụng HĐĐT theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Vào tháng 3/2022, bên tôi có xuất Hóa đơn (theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC) cho phần đặt cọc của khách hàng. 

Nhưng đến thời điểm hiện tại, do khách hàng vi phạm thỏa thuận nên xử lý mất cọc. 

Vậy doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn mới “điều chỉnh giảm” toàn bộ giá trị hóa đơn cũ được không ? 

Hay chỉ có thể hủy và điều chỉnh tờ khai thuế ? Và nếu hủy, có phải gửi lại "báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn" không ?

 

Ngày 07/03/2023 CQT trả lời: 

Căn cứ điểm c,d Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP:

“c) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

 

d) Đối với tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng:

d.1) Trường hợp chưa chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì thời điểm lập hóa đơn là ngày thu tiền hoặc theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng.

d.2) Trường hợp đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

 

Về nguyên tắc các khoản thu theo tiến độ của cơ sở kinh doanh bất động sản dưới mọi hình thức thì phải lập hóa đơn. 

Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản đã thu tiền khi đặt cọc sau đó khách hàng vi phạm thỏa thuận nên xử lý mất cọc thì khoản tiền cơ sở kinh doanh bất động sản đã thu là doanh thu của cơ sở kinh doanh bất động sản. Do đó, không phải thực hiện điều chỉnh giảm.

 

 

47- Trường hợp HĐĐT đã lập có sai sót, đã được xử lý theo Nghị định 123 thì có bắt buộc phải lập biên bản điều chỉnh HĐĐT như trước đây không ?

Trường hợp HĐĐT đã lập sai sót được xử lý theo điểm b1 khoản 2 điều 19 có bắt buộc phải lập biên bản điều chỉnh HĐĐT như trước đây (Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP) hay không?  Doanh nghiệp có phải gửi thông báo sai sót tới cơ quan thuế theo mẫu 04/SS-HĐĐT hay không ? 

 

Ngày 07/03/2023 CQT trả lời: 

Theo quy định tại điểm b1 khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP:

“b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

 

Việc lập Biên bản điều chỉnh là do người mua và người bán tự thỏa thuận.

Trường hợp người bán đã thực hiện điều chỉnh hóa đơn thì không cần gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới cơ quan thuế.

 

 

48- Đơn vị tôi gửi BC26 quý II/2022 sau ngày 01/7/2022 có được không ? 

Vì tôi đọc thông tư 39/2014/TT-BTC hết hiệu lực từ ngày 01/7/2022 ?

 

Ngày 07/03/2023 CQT trả lời: 

Căn cứ hướng dẫn tại điểm 2 Phụ lục ban hành kèm theo công văn số 5113/TCT-CS ngày 27/12/2021 của Tổng cục Thuế:

“2. Về việc không sử dụng hóa đơn đã thông báo phát hành theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP sau khi người nộp thuế đã đăng ký thành công sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và cơ quan thuế đã gửi Thông báo chấp nhận tới người nộp thuế

Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

“3. Kể từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử đã thông báo phát hành theo các quy định trước đây, tiêu hủy hóa đơn giấy đã thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng (nếu có). Trình tự, thủ tục tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định này. ”

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 59 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính;

Căn cứ quy định tại Điều 29 Thông tư số 39/2014/TT-BTCngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại các Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính);

 

Căn cứ quy định trên:

- Trường hợp cơ quan thuế đã chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế (người nộp thuế - NNT) phải ngừng sử dụng hóa đơn điện tử, tiêu hủy hóa đơn giấy đặt in đã thông báo phát hành theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trình tự, thủ tục tiêu hủy thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

 

- Trong thời gian Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính đang có hiệu lực thi hành, Cục thuế có thể hướng dẫn người nộp thuế gửi: Thông báo hủy hóa đơn (Mẫu số TB03/AC) và Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (BC26) theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính để cơ quan thuế nhập vào ứng dụng Quản lý ấn chỉ. Đồng thời cơ quan thuế ban hành Thông báo hóa đơn của NNT hết giá trị sử dụng.”

 

Do vậy, trường hợp trong quý II/2022, NNT được cơ quan thuế chấp nhận sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì người nộp thuế phải hủy hóa đơn điện tử đã sử dụng và NNT gửi báo cáo BC 26 quý II/2022 cho cơ quan thuế. Việc gửi báo cáo BC 26 quý II/2022 có thể trước hoặc sau thời điểm 01/7/2022. 

 

 

49- Khi tra cứu hoá đơn trên trang Hoadondientu, các hoá đơn đã hủy vẫn còn hiện thị trên hệ thống ?

Công ty tôi tháng 05, 06 có huỷ 3 hoá đơn theo mẫu 04 trên hệ thống hoá đơn điện tử và được cơ quan thuế chấp nhận nhưng khi tra cứu hoá đơn thì trên trang Hoadondientu 3 hoá đơn này vẫn còn trên hệ thống thì cần xử lý thế nào ?

 

Ngày 07/03/2023 CQT trả lời: 

Trường hợp Người nộp thuế đã gửi thông báo hóa đơn có sai sót theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT để hủy hóa đơn và cơ quan thuế đã tiếp nhận nhưng khi tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế vẫn còn tồn tại ở trạng thái "Hóa đơn đã bị hủy”, cụ thể:

 

Toàn bộ thông tin hóa đơn điện tử đã gửi đến cơ quan thuế đều được lưu trữ tại hệ thống của cơ quan thuế.

 

Trong trường hợp NNT đã có thông báo hủy thì khi tra cứu hóa đơn này, trạng thái của hóa đơn sẽ thể hiện là “Hóa đơn đã bị hủy”.

 

Ví dụ 1 tình huống như hình chụp khi người nộp thuế sử dụng chức năng “Tra cứu/Tra cứu hóa đơn” trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.  

 

50- Một số trường hợp cần được giải đáp về hóa đơn mà người mua trả lại một phần hàng hóa ?

Đơn vị tôi có bán hàng đã lập hóa đơn theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC và đã gửi cho người mua. Trong quá trình bán hàng, tôi gặp một số trường hợp cần được giải đáp như sau:

- Người mua sử dụng hóa đơn GTGT trả lại một phần hàng hóa thì người bán và người mua xử lý như thế nào ?

- Người mua là cá nhân không kinh doanh, không có hóa đơn trả lại một phần hàng hóa thì người bán và người mua xử lý như thế nào ?

- Người mua sử dụng hóa đơn bán hàng trả lại một phần hàng hóa thì người bán và người mua xử lý như thế nào ?

 

Ngày 07/03/2023 CQT trả lời: 

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 4, Khoản 1 Điều 9 và Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì:

- Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh thuộc diện sử dụng hóa đơn GTGT điện tử thì khi trả lại một phần hàng hóa thì người mua lập hóa đơn GTGT giao cho người bán trên hóa đơn ghi rõ "trả lại hàng"; căn cứ hóa đơn GTGT trả lại hàng của người mua, người bán kê khai điều chỉnh giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra; người mua kê khai điều chỉnh giảm doanh số mua vào, thuế GTGT đầu vào.

 

- Người mua là cá nhân không kinh doanh thì khi người mua trả lại hàng: người bán và người mua có tài liệu chứng minh việc trả lại hàng sau đó người bán thực hiện hủy hóa đơn GTGT điện tử đã lập, người bán kê khai điều chỉnh giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra.

 

- Người mua là cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bán hàng điện tử thì khi trả lại hàng người mua và người bán có tài liệu chứng minh việc trả lại hàng, căn cứ tài liệu trả lại hàng của người mua, người bán lập hóa đơn điều chỉnh giảm cho hóa đơn đã lập và kê khai giảm doanh số, thuế GTGT đầu ra.

 

 

51- Khi phát hiện sai sót công ty thực hiện hủy hoặc điều chỉnh hóa đơn ?

Khi phát hiện sai sót và công ty chúng tôi quyết định hủy hoặc điều chỉnh hóa đơn. Vậy bước tiếp theo có cần gửi 04/SS-HĐĐT trước khi xuất hóa đơn thay thế hay hóa đơn điều chỉnh không? Hay chỉ cần gửi mẫu 04/SS-HĐ ĐT trước kỳ hạn kê khai thuế ?

 

Ngày 07/03/2023 CQT trả lời: 

Nội dung hỏi của bạn chưa mô tả cụ thể hóa đơn có sai sót đã được gửi cho người mua hay chưa và  nội dung có sai sót do đó, Tổng cục Thuế trả lời về mặt nguyên tắc như sau: 

 

Căn cứ Khoản 1, điểm b Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP:

“Điều 19. Xử lý hóa đơn có sai sót

1. Trường hợp người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

 

2. Trường hợp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót thì xử lý như sau:

…..

 

b) Trường hợp có sai: mã số thuế; sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

b1) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

b2) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

 

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số... ký hiệu... số... ngày... tháng... năm”.

 

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế). “

 

Trường hợp sai sót thuộc khoản 1 Điều 19 thì người bán gửi Mẫu 04/SS-HĐ ĐT cho cơ quan thuế và lập hóa đơn mới thay thế cho hóa đơn đã lập. 

Trường hợp sai sót thuộc điểm b khoản 2 Điều 19 và lựa chọn việc điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn thì không cần gửi Mẫu 04/SS-HĐĐT tới cơ quan thuế.

 

 

 

 

 

HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ (HĐĐT) ĐANG DÙNG ĐÚNG LUẬT HAY SAI LUẬT, CÓ ĐƯỢC CÔNG NHẬN ?  

Bạn hãy tham khảo hướng dẫn và tự tra cứu tra cứu tại bài viết sau, để biết ngay kết quả từ trang tra cứu chính thức của Cơ quan thuế:

  (xem tại đây)

Facebook Google LinkedIn Pinterest Twitter

CHÚNG TÔI SẼ GỌI LẠI CHO BẠN, TƯ VẤN MIỄN PHÍ



Design by Khang Việt IT