CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ MỚI THEO NĐ123 VÀ TT78 ?

22/06/2022

CÁC TÌNH HUỐNG XỬ LÝ KHI SỬ DỤNG HĐĐT NHƯ THẾ NÀO ?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIỂM TRA TÍNH PHÁP LÝ CỦA HĐĐT MỚI … ?

 

Kể từ 01/07/2022, khi mua hàng hoặc bán hàng hóa dịch vụ các bạn sẽ nhận / xuất hóa đơn điện tử (vì hóa đơn giấy ký đóng dấu mộc đỏ Công ty không còn được sử dụng)

 

Để giúp các bạn hiểu về HĐĐT mới và xử lý các tình huống khi gặp phải, Thông Thái Group đã tạo chuyên mục trích từ kết quả hỏi đáp giữa Người dùng & cơ quan thuế về HĐĐT mới theo NĐ123 & TT78 chi tiết như sau :

(chúng tôi sẽ liên tục cập nhập kết quả, 

cần tư vấn thêm gọi hotline 0901.376.407 – 0932.79.68.77 zalo)

 

 

1- Số điện thoại của Trung tâm Hỗ trợ triển khai Hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế là như thế nào ?

Số điện thoại hỗ trợ, giải đáp vướng mắc Hóa đơn điện tử: 024 33.599.333

 

2- Đối với trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn được quy định như thế nào ?

Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

(Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

3- Thế nào là thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ?

Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).

Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể khác quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

(Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

4- Hóa đơn điện tử bán tài sản công được sử dụng khi bán các loại tài sản nào ?

Hóa đơn điện tử bán tài sản công được sử dụng khi bán các tài sản sau:

a) Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);

b) Tài sản kết cấu hạ tầng;

c) Tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước;

đ) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;

e) Tài sản công bị thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;

g) Vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc xử lý tài sản công.

Hóa đơn điện tử bao gồm: hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác.

(Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

5- Đối tượng áp dụng hóa đơn GTGT ? Hóa đơn bán hàng ?

1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:

a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

b) Hoạt động vận tải quốc tế;

c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

2. Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:

a) Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:

- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;

- Hoạt động vận tải quốc tế;

- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;

- Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.

b) Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.

(Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

6- Khi nào cần chuyển đổi hóa đơn điện tử thành hóa đơn giấy và việc chuyển đổi đảm bảo theo nguyên tắc gì ?

Hóa đơn điện tử hợp pháp được chuyển đổi thành hóa đơn giấy khi có yêu cầu nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, cơ quan kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và điều tra.

- Việc chuyển đổi hóa đơn điện tử thành hóa đơn giấy phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử và hóa đơn, chứng từ giấy sau khi chuyển đổi.

- Hóa đơn điện tử được chuyển đổi thành hóa đơn giấy thì hóa đơn giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định số 123.

(Điều 7 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

7- Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn ?

Đối với công chức thuế, hành vi bị cấm bao gồm:

- Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn;

- Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn không hợp pháp;

- Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan, hành vi bị cấm bao gồm:

- Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;

- Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn;

- Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn;

- Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn nhằm mưu lợi bất chính.

(Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

8- Thế nào là hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp ? Sử dụng không hợp pháp hóa đơn ?

Sử dụng hóa đơn không hợp pháp là:

-  Việc sử dụng hóa đơn giả;

- Sử dụng hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;

- Sử dụng hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;

- Sử dụng hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;

- Sử dụng hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

- Sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn không hợp pháp.

Sử dụng không hợp pháp hóa đơn là việc sử dụng:

- Hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định;

- Hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

- Sử dụng hóa đơn khống (hóa đơn đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ);

- Sử dụng hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

- Sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

- Sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

- Sử dụng hóa đơn mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

(Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

9- Thế nào là hóa đơn hợp pháp ? Hóa đơn giả ?

Hóa đơn, chứng từ hợp pháp là hóa đơn, chứng từ đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định.

Hóa đơn, chứng từ giả là hóa đơn, chứng từ được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn, chứng từ đã được thông báo phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn, chứng từ hoặc làm giả hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử.

(Khoản 7, Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

10- Đối tượng áp dụng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế ?

Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) được lựa chọn sử dụng hoá đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử có mã, hóa đơn điện tử không có mã.

(Điều 8 Thông tư số 78/2021/TT-BTC)

 

11- Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế ?

- Doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực điện lực, xăng dầu, bưu chính viễn thông, nước sạch, tài chính tín dụng, bảo hiểm, y tế, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh siêu thị, thương mại, vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã hoặc sẽ thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử đáp ứng lập, tra cứu hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và bảo đảm việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp rủi ro về thuế cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và trường hợp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

- Doanh nghiệp thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng sau 12 tháng kể từ thời điểm chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, nếu người nộp thuế có nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử không có mã thì người nộp thuế thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, cơ quan thuế căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC để xem xét, quyết định.

(Điều 91 Luật 38/2019/QH14, Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

12- Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế ?

Các tổ chức, cá nhân sau là đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế:

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế đang sử dụng hoá đơn điện tử không mã có nhu cầu chuyển đổi sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

- Doanh nghiệp rủi ro cao về thuếNgười nộp thuế thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 nếu thuộc trường hợp được xác định rủi ro cao về thuế theo quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng rủi ro trong quản lý thuế và được cơ quan thuế thông báo (Mẫu số 01/TB-KTT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP) về việc chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì phải chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Trong thời gian mười (10) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế phát hành thông báo, người nộp thuế phải thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử (chuyển từ sử dụng hóa đơn điện tử không có mã sang hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế) theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và thực hiện theo thông báo của cơ quan thuế.

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng hóa đơn điện tử; Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh; Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

(Điều 91 Luật 38/2019/QH14, Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

13- Thế nào là hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in? Đối tượng được áp dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in ?

Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in là hóa đơn được thể hiện dưới dạng giấy do cơ quan thuế đặt in để bán cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng và trường hợp được mua hóa đơn của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP để sử dụng khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Các trường hợp được áp dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in:

1. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh dưới đây không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế:

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.

2. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trong thời gian hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cấp mã hóa đơn của cơ quan thuế gặp sự cố thì cũng được cơ quan thuế bán hóa đơn để sử dụng.

(Điều 3, Điều 14, Điều 23 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

14- Hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế phải đảm bảo nguyên tắc gì ?

Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế là hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã.

Hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế đảm bảo nguyên tắc sau:

- Nhận biết được hóa đơn in từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế;

- Không bắt buộc có chữ ký số;

- Khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn (hoặc sao chụp hóa đơn hoặc tra thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về hóa đơn) được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế.

(Điều 11 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

15- Thế nào là hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế ?

Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.

(Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

16- Thế nào là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế ? Mã cơ quan thuế trên hóa đơn ?

Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.

(Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

17- Hóa đơn điện tử là gì và có bao nhiêu hình thức hóa đơn điện tử ?

Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về thuế, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Có 2 hình thức hóa đơn điện tử: Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

(Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

18- Có mấy hình thức hóa đơn ?

Có hai hình thức hóa đơn là hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in.

(Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

19- Ai phải lập hóa đơn ?

Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

(Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

20- Hóa đơn là gì ? 

Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in

(Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP)

 

21- Nghị định 123/2020 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2022. Trong nghị định này có rất nhiều quy định mới cởi mở hơn so với quy định cũ tại nghị định 51 và nghị định 04 về hoá đơn chứng từ (ví dụ được lập hoá đơn sau 7 ngày kể từ ngày đối soát dữ liệu được đính kèm bảng kê cho HĐĐT…)

Tuy nhiên các doanh nghiệp đã tiên phong áp dụng HĐĐT trước ngày 1/11/2020 lại đang gặp nhiều vướng mắc trong khi các quy định có lợi cho DN thì đến 1/7/2022 mới có hiệu lực để áp dụng (ví dụ Điều 9 của NĐ 123 tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho DN khi sử dụng HĐĐT)

Vậy Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có thể xem xét đề xuất đưa các quy định có lợi cho DN khi sử dụng HĐĐT được áp dụng ngày từ 2020 chứ không cần chờ đến 2022 được không ?

Hóa đơn điện tử doanh nghiệp đang áp dụng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2020/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 32/2011/TT-BTC, Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Từ ngày ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đến trước ngày 30/6/2022 mà cơ quan thuế thông báo doanh nghiệp chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

 

22- Đề xuất hóa đơn điện tử được phép xuất trước: Do doanh nghiệp phát sinh rất nhiều hóa đơn cần chuẩn bị trước 1 ngày để kịp ngày hôm sau đi giao hàng. (cần chuẩn bị hàng + hóa đơn + phiếu giao hàng để bàn giao cho bộ phận giao hàng đi giao hàng cho khách). Theo quy định hiện tại, ngày hóa đơn và ngày ký hóa đơn điện tử phải cùng ngày.

Đối với hóa đơn điện tử đang áp dụng theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và  Thông tư số 32/2011/TT-BTC, Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Thông tư số 39/2014/TT-BTC: Ngày lập hóa đơn (bao gồm cả hóa đơn điện tử) đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được hay chưa thu được tiền. Hóa đơn điện tử lập phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định. Việc lập hóa đơn điện tử của doanh nghiệp thực hiện theo quy định trên và thực tế của việc bán hàng hóa.

Đề nghị doanh nghiệp liên hệ cơ quan thuế quản lý trực tiếp trình bày cụ thể việc mua bán hàng hóa thực tế của doanh nghiệp để được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện theo quy định.

 

23- Ngày hóa đơn khác ngày ký hóa đơn trên hóa đơn điện tử ?

Tổng cục Thuế đã có công văn số 4931/TCT-CS ngày 18/11/2020 gửi Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc:

1. Căn cứ khoản 3 Điều 15 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ quy định lập hóa đơn.

2. Căn cứ khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập hóa đơn.

3. Căn  cứ Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của  Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung của hóa đơn điện tử.

4. Tại khoản 1, 2, 3 Điều 59 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định hiệu lực thi hành như sau:

“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định  này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

2. Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định   số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9  năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30 tháng 6 năm 2022.

3. Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020.”

Căn cứ quy định trên:

- Trường hợp áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 39/2014/TT-BTC, Thông tư số 32/2011/TT-BTC thì thời điểm lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Khi lập hóa đơn điện tử phải có đầy đủ các nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

- Trường hợp trước ngày 01/07/2022, cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 thì nội dung hóa đơn điện tử, thời điểm lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.

 

24- Công ty bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử vào thời gian nào ?

Tại khoản 1, 2, 3 Điều 59 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 về hóa đơn, chứng từ quy định:

“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định  này trước ngày 01 tháng 7 năm 2022.

2. Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định   số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9  năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30 tháng 6 năm 2022.

3. Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020.”

Căn cứ quy định nêu trên:

Nghị định 123 sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/07/2022 và khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01/7/2022.

Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/6/2022.

Bãi bỏ Khoản 2 và 4 Nghị định 119/2018/NĐ-CP về việc triển khai áp dụng HĐĐT từ ngày 01/11/2020.

 

25- Có thể in thêm logo của Doanh nghiệp trên hóa đơn điện tử không?

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 68/2019/TT-BTC thì doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay lo-go để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán

 

26- Hóa đơn điện tử có thể sử dụng đồng thời cả tiếng Việt và tiếng Anh không ?

Có. Theo quy định tại Điểm d1 Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn như sau: Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt

 

27- Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử cần có những nội dung gì ?

Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 68/2019/TT-BTC thì cần thể hiện trên Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử cần những nội dung sau: Tên người xuất hàng, lệnh điều động nội bộ; Địa chỉ kho xuất hàng, tên người vận chuyển và phương tiện vận chuyển; Tên người nhận hàng; Địa chỉ kho nhận hàng.

 

 

 

 

HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ (HĐĐT) ĐANG DÙNG ĐÚNG LUẬT HAY SAI LUẬT, CÓ ĐƯỢC CÔNG NHẬN ?  

Bạn hãy tham khảo hướng dẫn và tự tra cứu tra cứu tại bài viết sau, để biết ngay kết quả từ trang tra cứu chính thức của Cơ quan thuế:

 (xem tại đây)

 

Facebook Google LinkedIn Pinterest Twitter

CHÚNG TÔI SẼ GỌI LẠI CHO BẠN, TƯ VẤN MIỄN PHÍ



Design by Khang Việt IT